Những ngày không quên

Tua 3 zui zẻ đón giao thừa ở bệnh viện

Mình làm việc ở khu hồi sức covid được một thời gian. Những ngày đầu, cứ sau mỗi tua trực, mình lại thêm một dấu gạch chéo trên tấm lịch để bàn, như trút được một phần áp lực và chán nản. Những ngày đầu, tiếng máy thở, tiếng monitor, tiếng máy lọc máu… tạo thành hỗn hợp âm thanh vang dội trong đầu, ám ảnh mình cả trong giấc ngủ. Những ngày đầu, mình thường hay  lẽo đẽo đi theo phụ chị làm thủ thuật trong im lặng, lúc viết hồ sơ ngoài quầy cũng lẳng lặng chẳng dám bắt chuyện. Những ngày đầu, bệnh nhân trở nặng nhanh quá làm mình bị sốc, bệnh nhân đông quá làm mình chẳng kịp nhớ tên, lần đầu tiên gọi điện thoại cho người nhà báo tử, mình lặng một hồi lâu sau khi tắt máy. Những ngày đầu tiên ấy, mình là đứa em út trong tua, còn ngơ ngác và mỏng manh, còn yếu đuối và mặc cảm vì không biết làm gì cho bệnh nhân. Trước mỗi tua trực, luôn cần anh phải nói câu “Em của anh cố lên” và sau mỗi tua trực hay gục đầu lên vai anh trên đường về nhà. Mình vẫn nhớ cái cảm giác làm ca tối, trên đường đến bệnh viện, quán xá rực rỡ ánh đèn, người xe rộn ràng nhộn nhịp như bù lại khoảng thời gian giãn cách. Mình đi qua quãng đường ấy, đến một nơi mà những con người khác đang duy trì và chiến đấu giành giật sự sống bằng máy móc và thuốc thang. Sự đối lập ấy sao mà xót xa đến thế.

“Những nhọc nhằn chớm quen…”

Rồi cũng qua đi cái khoảng thời gian ban đầu bỡ ngỡ ấy. Lúc này, khi đã quen với công việc hơn, mình lại buồn một nỗi buồn khác. Có những bệnh nhân, mình biết họ chẳng thể nào qua khỏi, nhưng ngày qua ngày, vẫn cứ nhìn họ nằm đó chờ ngày họ ra đi. Không ít hơn một lần, mình tự hỏi, liệu công việc mình làm có vô nghĩa hay không? Có những bệnh nhân, mình chăm sóc họ hết sức mình, mỗi ngày họ tiến triển tốt hơn là một ngày mình có thêm niềm vui. Thế rồi đùng một cái, họ trở nặng, rồi vụt khỏi tay mình, tạo nên một lỗ hổng trống hoác, một cái hố sâu hoắm trong tim mình, trở thành nỗi day dứt cả đời mình. Đó là những ngày, mình nước mắt đầm đìa bên trong bộ đồ bảo hộ, khi không thể đặt nội khí quản kịp cho bệnh nhân, rồi sau đó chứng kiến cảnh con trai cũng là bệnh nhân covid nằm chung với cha mình nhìn mặt cha lần cuối. Là những ngày mình nắm bàn tay nhỏ nhắn xương xẩu của bà cụ mà mình nhận từ lúc mới vô khoa, tự tay đặt ống, tự tay chỉnh máy thở, rồi cho thuốc, rồi theo dõi, rồi vui mừng khi bà bắt đầu cai được máy thở, để rồi sau đó không chấp nhận sự thật là bà không thể qua khỏi. Đó là những lần, sau khi cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn thất bại, mình phụ các anh chị điều dưỡng rút ống và lau người cho bệnh nhân. Mình đã làm thật nhẹ nhàng, thật đàng hoàng bằng tất cả lòng tử tế của một người xa lạ như lời tạ lỗi cuối cùng vì đã không thể làm gì hơn cho họ, như một món quà nhỏ cuối cùng khi mình còn nhìn thấy thân xác họ trên cõi đời này. Đó là những ngày, mình không dám nhìn vào mắt người nhà của một bệnh nhân bằng tuổi mình vì biết rằng bệnh nhân quá nặng, không thể qua khỏi. Cứ mỗi lần, mỗi ngày như thế, mình lại thêm yếu đuối chứ không phải chai sạn hơn như vốn dĩ phải thế. Như vậy thì mệt lắm. Vì trái tim vốn dĩ nhỏ bé như vậy làm sao chứa nổi từng ấy nỗi buồn đau.

Thế nhưng ở hồi sức, đâu chỉ có nỗi buồn. Lần đầu tiên mình cai máy và rút ống thở cho bệnh nhân. Cái cảm giác khi một bệnh nhân những ngày trước đó nằm mê man, bất động, hô hấp bằng máy thở nay hồi phục, tự thở bằng lá phổi của chính mình, kì diệu lắm thay. Hôm nay, mình gặp một bệnh nhân ngày đó nằm ở hồi sức covid cả tháng trời, nhiều lần tưởng như không qua khỏi, và sau khi xuất viện, di chứng hậu covid cũng rất đỗi nặng nề. Nhưng điều quan trọng nhất, bệnh nhân ấy đã sống, và tiếp tục những việc còn dang dở. Chưa bao giờ, mình cảm thấy thời gian sống trên đời này giá trị đến như vậy. Còn bao nhiêu dự định chưa làm, còn bao nhiêu lời yêu chưa nói, còn bao nhiêu tình thương chưa trao đi. Covid dạy mình phải sống sao cho trọn vẹn nhất những giây phút mình còn được thở.

Chị boss xịn xò đang làm thủ thuật

Mình đã đi qua cơn bão, hoặc chăng, vẫn còn ở trong cơn bão, nhưng đã học cách đối mặt với nó bằng một tâm thế khác. Mình đã gặp và kết bạn với rất nhiều bạn bè anh chị, học hỏi từ họ những điều dù là nhỏ bé nhất cho đến những điều to lớn cần thật nhiều kĩ năng. Dịp cuối năm, khi nghe bài hát Năm qua đã làm gì, mình cảm thán với chị rằng, hết một năm mà em chẳng làm được gì cả. Chị nói, sao lại không, ít nhất em cũng đặt được  CVC chứ. Thế rồi, mình nhớ lại những ngày đầu chập chững soạn đồ cho chị, rồi đến lúc đặt chiếc CVC đầu tiên, catheter động mạch đầu tiên, kim lọc máu đầu tiên, chiếc nội khí quản đầu tiên mà bệnh nhân hoàn toàn không kích thích, mình mới nhận ra, nhiều lúc mình tham lam quá, cứ muốn làm được và đạt được những điều thật lớn lao, mà quên mất rằng, chính những điều nhỏ bé như vậy cũng đáng trân trọng rất nhiều. Nhưng thứ đáng giá hơn hết thảy, hơn những thủ thuật và kĩ năng, là nguồn năng lượng và tinh thần làm việc vì bệnh nhân không biết mệt mỏi của chị. Mình mãi sẽ không quên được lúc chị vỗ vỗ cánh tay, động viên bệnh nhân rằng “Ráng lên ông N., còn về với gia đình”, lúc chị cấp cứu bệnh nhân, lúc chị làm thủ thuật, lúc chị an ủi khi mình mắc những sai lầm ngốc nghếch, cả những lúc nhìn đôi mắt mệt mỏi của chị, mình biết mình vẫn chưa cố gắng hết mức có thể. Mình biết sau này, mình còn nhiều thật nhiều thứ phải học, nhưng mình sẽ học hỏi với tinh thần khác hẳn tinh thần của một người trước khi gặp chị.

“Và khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay xở để tồn tại được ra sao. Bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra, liệu cơn bão có thật sự đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà đã bước vào.” (Haruki Murakmi- Kafka bên bờ biển)

Bình luận về bài viết này