CHUYỆN ĐỌC- HAY MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC VỀ MẸ __P1. Biết đọc từ năm 4 tuổi

Mình biết đọc từ năm 4 tuổi. Không phải thiên tài, giỏi giang gì đâu. Chỉ là hồi đó, mình nói ngọng quá trời, mẹ lo sau này đi học không phát âm chuẩn được nên mới quyết định mượn sách Tiếng Việt lớp 1 của chị hàng xóm về dạy mình học vần. Thế là tối tối, sau khi cơm nước xong xuôi, mình bị kẹp ở giữa ba và mẹ, ê a những chữ cái đầu tiên. Ngày nào cũng vậy, không chệch đi đằng nào được. Có một kỉ niệm trong thời gian đó mà mình nhớ mãi, thỉnh thoảng hiển hiện trước mắt, sống động hệt như đang diễn ra, hoặc chỉ mới vừa xảy ra ngày hôm qua- dù đã hai mươi năm trời. Lần đó, mẹ dạy mình đánh vần chữ “cá”. Quay đi quay lại thế nào, mình vẫn cứ “cờ a ca sắc ca” suốt thôi. Ba mình bực, bộp cho một phát. Đợt đó, mình mới xỏ lỗ tai, thế là dịch hồng hồng rỉ ra. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, ba đánh mình. Mỗi khi kỉ niệm ấy chợt ùa về, mình hay nhắm mắt, mỉm cười để được sống lại lần nữa cái không khí những ngày xa xưa ấy. Cũng có thể vì vậy mà mình “cảm” Patrick Modiano ngay lần đầu tiên đọc sách của ông. Một dạng “đồng cảm” rất lạ lùng giữa những con người sống mãi trong quá khứ.

Trẻ con như một tờ giấy trắng, học cái gì cũng nhanh. Tầm hai tháng sau, mình thông thạo mặt chữ, đã có thể đọc vài câu văn hay vài đoạn thơ ngăn ngắn trích trong sách, dù thỉnh thoảng có vài chữ phải đánh vần thầm trong đầu. Mình vui lắm, vậy là từ nay không phải tiếp tục học nữa rồi. Nhưng mẹ không đồng ý, nhất quyết buộc mình phải ôn đi ôn lại hằng ngày cho đến khi nào lưu loát mới thôi. Hôm mình đem sách trả chị hàng xóm, mẹ chị hỏi mình đã đọc được chưa, sau đó đưa cho mình cuốn sách kể chuyện lớp 2, kêu mình đọc cho cô nghe. Lúc đó là khoảng 6 tháng sau khi bắt đầu tập đọc. Nhiều người lớn trong xóm nghe chuyện không tin, cứ canh canh tới 12 giờ trưa, thường qua nhà mình, kêu mình đọc bản tin” giới thiệu” các chương trình trên VTV3. Mình nổi tiếng từ đó.

840b16523d1f48d2520be293aadb910fNgày mình vô mẫu giáo, trong khi tụi bạn vẫn còn hồn nhiên vô tư với những trò chơi con nít, “chim bay, nhà bay”, “khăn nổi khăn chìm”…mình thường mượn sách kể chuyện của cô, bắt đầu tập đọc diễn cảm, rồi về nhà tập đọc diễn cảm mấy câu chuyện trong quyển truyện đọc lớp 1, cũng mượn của chị hàng xóm. Trong giờ chơi “đóng vai”, cô lúc nào cũng phân cho bé Trà làm cô giáo. Thuở đó, có nhiều bậc cha mẹ rảnh rỗi, cứ hay đứng ngoài cửa sổ xem con mình học và chơi thế nào. Thế là, một bữa nọ, cô kia nói với mẹ, “bé Trà ra dáng cô giáo lắm!”. Tụi bạn thì phục sát đất, bởi giữa một “rừng chữ” mà Trà có thể biết chữ này nghĩa là gì, chữ kia đang nói về cái gì. Người lớn thì cứ xuýt xoa, nhà ba H mẹ Th có đứa con gái thông minh quá. Mẹ cười rất nhẹ, như một cử chỉ xã giao, còn mình thì vui lắm, cười tít mắt cả thôi. Con nít đơn giản là vậy, được khen là thấy vui thích rồi. Sau này lớn mới nhận ra, không phải là thành quả có được, mà chính là quá trình để có được kết quả ấy mới là thứ khiến mình say nồng trong cảm giác hạnh phúc vì được công nhận và tán thưởng. Mọi người nhìn vào, chỉ thấy mình có thể đọc sớm hơn những đứa trẻ cùng tuổi, nhưng chỉ có mình, ba và mẹ mới biết, kĩ năng đó có được nhờ đánh đổi những giờ vui chơi với những lần miệt mài đánh vần, ghép chữ, tập đọc đi tập đọc lại.

Bình luận về bài viết này